Phiên giao dịch lịch sử chứng kiến Dow Jones mất 9.99% trong 1 ngày

Phiên giao dịch ngày 12/3 chứng kiến thị trường Mỹ giảm 9.99% mặc cho những tuyên bố của Tổng thống Trump và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về tác động kinh tế của dịch COVID-19. Các chỉ số chính có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1987 trở lại đây.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 2.352,6 điểm, tương đương 9,99% và đóng cửa ở 21.200 điểm. Tính theo số điểm, đây chắc chắn là phiên giảm sốc nhất của chỉ số này trong lịch sử. Tính theo tỉ lệ %, đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ “Ngày thứ Hai đen tối” 19/10/1987 khi Dow Jones sụt trên 22%.

Chỉ số S&P 500 giảm 9,51%, đóng cửa phiên 12/3 ở 2.480 điểm, và gia nhập vào “câu lạc bộ thị trường gấu” cùng với chỉ số Dow Jones. Đây cũng là phiên giảm sâu nhất của S&P 500 kể từ năm 1987.

Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 9,4% và đóng cửa ở 7.201 điểm.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 33 năm, Dow Jones mất 10% trong một phiên - Ảnh 1.

Biến động các chỉ số chứng khoán Mỹ phiên 12/3. Nguồn: Bloomberg.

Trao đổi với CNBC, bà Kathy Entwistle – Phó Giám đốc cao cấp về quản lí tài sản tại ngân hàng UBS nhận định: “Dịch COVID-19 rất đáng sợ và nhà đầu tư không biết nên mong đợi kịch bản nào. Tình hình bây giờ cũng giống như một cơn sóng thần chuẩn bị ập đến. Chúng ta biết nó có thể tấn công bất cứ lúc nào nhưng không ai biết chính xác hậu quả sẽ ra sao.

Các chỉ số chứng khoán lớn hồi phục một phần vào giữa phiên, Dow Jones có lúc chỉ còn giảm 720 điểm sau khi Fed tuyên bố sẽ đẩy mạnh hoạt động cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng lên 500 tỉ USD vào ngày 12/3. Sau đó Fed sẽ nâng qui mô cho vay liên ngân hàng lên 1.000 tỉ USD vào ngày 13/3.

Ngoài ra, Fed cũng mở rộng phạm vi loại chứng khoán mà ngân hàng trung ương này sẽ mua lại.

Thông cáo của Fed Chi nhánh New York có đoạn: “Những thay đổi này được đưa ra nhằm giải quyết sự gián đoạn hết sức bất thường trên các thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ liên quan đến dịch COVID-19”. Fed New York là đơn vị thay mặt cho Fed đứng ra thực hiện hoạt động cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng.

Tuy nhiên thị trường chứng khoán nhanh chóng quay lại đà giảm về cuối phiên khi nhà đầu tư mong đợi những biện pháp mạnh tay hơn để hỗ trợ nền kinh tế và trực tiếp khống chế dịch COVID-19.

Mở đầu phiên 12/3, các chỉ số chứng khoán Mỹ nhanh chóng giảm sốc hơn 7%, tới mức thị trường phải tạm ngừng giao dịch trong vòng 15 phút để các nhà đầu tư có thời gian tìm hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra.

Phiên 9/3, biện pháp ngừng giao dịch này đã được áp dụng và phần nào làm chậm lại đà giảm của thị trường.

Tuy nhiên trong phiên hôm nay 12/3, khi thị trường nối lại giao dịch sau những phút tạm nghỉ, các chỉ số tiếp tục cắm đầu lao dốc. Kết phiên, Dow Jones ghi nhận phiên giảm mạnh thứ 5 trong lịch sử hơn 100 năm của mình (tính theo tỉ lệ %), mạnh hơn cả những phiên tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008.

Trước khi thị trường chứng khoán cơ sở mở cửa, thị trường phái sinh Mỹ đã chứng kiến các hợp đồng tương lai gắn với ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq 100 đồng loạt giảm kịch sàn 5%.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 33 năm, Dow Jones mất 10% trong một phiên - Ảnh 2.

Chứng khoán Mỹ biến động mạnh trong mùa dịch bệnh.

Trong cơn hoảng loạn, không có ngóc ngách nào của thị trường là an toàn. Chỉ số chứng khoán vốn hóa nhỏ Russell 2000 sụt 11%. Giá vàng giảm, giá dầu lao dốc. Chênh lệch mua-bán trên thị trường tín dụng cũng nới rộng đáng kể. Ngay cả trái phiếu kho bạc Mỹ – vốn vẫn được coi là vịnh trú ẩn trong những ngày cổ phiếu bán tháo – cũng đi xuống trong phiên 12/3.

Tại châu Âu, các chỉ số chứng khoán Stoxx 600, DAX, CAC, FTSE cùng giảm sâu 10-12% trong phiên 12/3.

Chia sẻ với CNBC, ông Mohamed El-Erian, Giám đốc tư vấn kinh tế tại ngân hàng Allianz nhận định: “Chúng ta đang rơi vào một cuộc suy thoái toàn cầu. Sau những gì xảy ra mấy ngày qua, nhiều khả năng tình trạng đột ngột dừng hoạt động kinh tế sẽ lan rộng. Và một khi hoạt động kinh tế đã dừng đột ngột thì sẽ không dễ gì khởi động lại được”.

Ông Mohamed El-Erian dự đoán các chỉ số sau khi rơi vào thị trường gấu sẽ còn giảm thêm 30% nữa.

Chỉ số S&P 500 chính thức đóng cửa phiên 12/3 trong vùng thị trường gấu, giảm 26% so với đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng trước. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones thì vào thị trường gấu sớm hơn một ngày, từ cuối phiên 11/3.

Theo định nghĩa phổ biến của Wall Street, thị trường gấu là thị trường đã giảm hơn 20% tính từ đỉnh gần nhất (52 tuần).

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 33 năm, Dow Jones mất 10% trong một phiên - Ảnh 3.

Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào thị trường gấu sau phiên 11/3.

Các cổ phiếu du thuyền chịu thiệt hại nặng nề nhất trong phiên bán tháo 12/3, Royal Caribbean lao dốc 31,8%; Carnival và Norwegian Cruise Line mất lần lượt 15% và 20,7%.

Chỉ số biến động Cboe (VIX) – được coi là thước đo sự sợ hãi chính xác nhất của Wall Street, nhảy vọt lên hơn 76 điểm, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Trong bài phát biểu trước báo giới hôm 11/3, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ áp lệnh cấm di chuyển từ châu Âu (ngoại trừ Anh và Ireland) đến Mỹ trong 30 ngày tới để ngăn sự lây lan của dịch COVID-19.

Ông Trump cũng thông báo chính quyền của ông sẽ cung cấp các hỗ trợ tài chính cho người lao động bị nhiễm hoặc phải chăm sóc người nhiễm COVID-19 hoặc đang bị cách li.

Ít ngày trước, ông Trump đã đưa ra đề xuất hạ thuế bảng lương (payroll tax) xuống còn 0% trong những tháng còn lại của năm 2020. Hôm 11/3, Tổng thống Trump khẳng định thêm rằng ông sẽ chỉ thị cho Cơ quan quản lí doanh nghiệp nhỏ (SBA) “cung cấp vốn và thanh khoản” cho các công ty qui mô nhỏ.

Tuy nhiên những tuyên bố thiếu cụ thể này của Tổng thống Trump dường như chưa đủ để trấn an đông đảo nhà đầu tư đang mong đợi các biện pháp tài khóa mạnh tay để ngăn chặn nguy cơ kinh tế suy thoái vì dịch COVID-19.

CNBC dẫn lời ông Ernie Tedeschi – nhà phân tích chính sách tại công ty nghiên cứu Evercore ISI nhận định: “Tổng thống Trump đã không đưa ra ý tưởng mới lớn lao nào về kích thích kinh tế và chỉ nói rằng ông sẽ đề xuất lên quốc hội một chính sách giảm thuế bảng lương rất mơ hồ. Ông cũng không cam kết một qui mô chắc chắn với gói hỗ trợ. Như vậy chẳng khác nào ông Trump đẩy trách nhiệm về phía quốc hội khi mà quốc hội Mỹ dự định sẽ tạm nghỉ trong tuần sau”.

Dịch COVID-19 lan rộng tại Mỹ đã khiến tâm lí nhà đầu tư thêm lo lắng. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, đến nay nước Mỹ đã có ít nhất 1.300 ca nhiễm COVID-19 với 38 ca tử vong. Giải bóng rổ hấp dẫn nhất hành tinh NBA đã phải tạm ngừng thi đấu vô thời hạn sau khi một vận động viên của đội Utah Jazz được xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Hai vợ chồng diễn viên nổi tiếng Tom Hanks và Rita Wilson cũng cho biết cả hai đã được xác nhận nhiễm bệnh khi đang ở Australia.

Ông David Lafferty, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty quản lí tài sản Natixis Investment Managers nhận định: “Thị trường hiện nay cực kì khó đoán vì cứ thay đổi liên tục theo tâm lí nhà đầu tư chứ không theo yếu tố cơ bản nào”.

Theo Song Ngọc

Tin Mới

Quan tâm

Hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán VPS eKYC Online nhanh chóng và đơn giản

Thị trường chứng khoán Việt Nam với tiềm năng lớn sẽ là một kênh tài chính thu hút nhiều nhà đầu tư trong thời...

Tuyển CTV, chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán làm việc online

Mô tả công việc: - Tìm kiếm khách hàng tiềm năng - Chăm sóc và hỗ trợ khách hàng trong quá trình giao dịch - Tư vấn,...